Laocaitv.vn - Iran tuyên bố không đàm phán với Mỹ khi bị “kề dao vào cổ” như hiện nay, đồng thời khẳng định sẽ mạnh mẽ đáp trả các động thái của Washington.
Laocaitv.vn - Iran tuyên bố không đàm phán với Mỹ khi bị “kề dao vào cổ” như hiện nay, đồng thời khẳng định sẽ mạnh mẽ đáp trả các động thái của Washington.
Căng thẳng Mỹ-Iran tiếp tục leo thang sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ và Mỹ tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào một nhóm tình báo của Iran. Đặc biệt, ngày 24/6, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp các lệnh trừng phạt bổ sung với Tehran, trong đó nhằm vào Lãnh tụ Tối cao Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và một số quan chức cấp cao khác.
Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã khẳng định rằng các nhà lập pháp nước này đều nhất trí sẽ tiếp tục quan điểm cứng rắn trước các lệnh trừng phạt và đe dọa của Mỹ. Người đứng đầu Hải quân Iran cũng cảnh báo rằng Iran sẽ bắn hạ thêm nhiều máy bay trinh sát không người lái của Mỹ nếu những phương tiện này vi phạm không phận của Iran.
Sự leo thang căng thẳng này diễn ra vào thời điểm hơn 1 năm sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như gia tăng sức ép ngoại giao lên quốc gia này. Chính quyền Mỹ cho biết chiến lược "sức ép tối đa" được tiến hành để đưa Iran trở lại bàn đàm phán với một thỏa thuận mới cứng rắn hơn song Iran đã từ chối.
Tại sao Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ?
Ngày 20/5, quân đội Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ bằng một tên lửa đất đối không ở Eo biển Hormuz - vùng biển giữa Vịnh Ba Tư và Vịnh Oman. Iran khẳng định máy bay không người lái của Mỹ đã vi phạm không phận của nước này.
Washington phủ nhận điều đó và công bố các hình ảnh mà theo các quan chức Mỹ thì chúng cho thấy đường bay của máy bay này dường như ở vùng biển quốc tế tiếp giáp với Iran.
Các quan chức Iran sau đó đã tổ chức một cuộc họp báo và cho biết họ đã thu thập được các mảnh vỡ của máy bay không người lái rơi trên vùng biển của họ.
Việc máy bay Mỹ bị bắn hạ là sự kiện có tác động mạnh đến chiến lược "gây sức ép tối đa" của chính quyền Tổng thống Trump nhằm vào Iran. Tổng thống Mỹ tuyên bố quân đội nước này sẽ tấn công các mục tiêu của Iran ngày 20/6 nhằm đáp trả vụ bắn hạ máy bay không người lái nhưng sau đó, ông Trump đã hủy quyết định này.
"Bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ là một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ rằng những người bảo vệ biên giới của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ có những phản ứng quyết đoán và nhanh chóng trước các hành động thô bạo nhằm vào lãnh thổ Iran từ bất kỳ thế lực bên ngoài nào", hãng thông tấn Tasnim dẫn lời Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami nhận định, chỉ vài giờ sau khi máy bay của Mỹ bị bắn hạ.
Iran muốn gì?
Là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 7 thế giới năm 2018, Iran muốn có thể tự do bán dầu mà không chịu sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ vốn đang khiến Iran mất đi nhiều thị trường quen thuộc. Các quốc gia như Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục các hoạt động thương mại với Iran. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump cho biết mục tiêu của Mỹ là "đưa xuất khẩu dầu của Iran về con số 0", điều mà Iran khẳng định là sẽ không bao giờ xảy ra.
Dưới sức ép của các lệnh trừng phạt, các "khách hàng" châu Âu và những khách hàng khác phải chật vật tìm cách bảo vệ các công ty của họ muốn tiếp tục làm ăn với Iran nhưng không muốn bị Mỹ trừng phạt.
Cuối cùng, Iran muốn được coi như một quốc gia có vai trò quan trọng ở Trung Đông với các lợi ích được tôn trọng. Chính quyền Tổng thống Trump khẳng định nếu Iran muốn bình thường hóa quan hệ thì nước này phải đáp ứng một số yêu cầu, trong đó có việc ngừng ủng hộ các lực lượng dân quân ở Iraq, Lebanon, Afghanistan, Yemen, Syria và các khu vực ở Palestine cũng như dừng việc làm giàu uranium và chấm dứt phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo. Iran đã từ chối tất cả điều khoản mà Mỹ nêu ra.
Chia rẽ trong nội bộ chính phủ Iran
Bên trong chính phủ Iran hiện cũng đang bị chia rẽ bởi những quan điểm khác nhau nhưng đáng chú ý nhất là phe ôn hòa và phe cứng rắn. Tổng thống Iran Hassan Rouhani, người từng đám phán thỏa thuận hạt nhân với Mỹ, các nước EU, Nga và Trung Quốc được xem là một người có quan điểm ôn hòa hơn so với Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei.
Tuy nhiên, ông Rouhani không phải là một người ôn hòa. Một từ khác thường được sử dụng để khắc họa ông - "thực tế" có lẽ miêu tả chính xác hơn. Tổng thống Iran Rouhani là một người thực tế. Điểm khác biệt chính giữa ông Rouhani với những quan chức Iran có quan điểm cứng rắn là Tổng thống Iran sẵn sàng hợp tác với thế giới bên ngoài để đạt được các mục tiêu của Iran. Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, dù triển vọng dỡ bỏ trừng phạt với Iran đã được tính tới nhưng Lãnh tụ Tối cao Iran Khamenei chỉ miễn cưỡng ủng hộ việc đàm phán.
Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, ông Khamenei đã tuyên bố rằng Iran sẽ không bao giờ đàm phán với Mỹ bởi Washington không đáng tin.
Lựa chọn của Iran là gì?
Lực lượng IRGC của Iran có khả năng thực hiện các hành động mặc dù Tehran phủ nhận cáo buộc của Washington rằng IRGC đứng đằng sau các cuộc tấn công vào tàu chở dầu gần đây ở Vịnh Ba Tư. Tháng 4/2019, Bộ Ngoại giao Mỹ đã liệt lực lượng IRGC của Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài.
Iran có các đồng minh ủy nhiệm trong khu vực, chẳng hạn như Hezbollah ở Lebanon cũng như các lực lượng ở Yemen, Syria và Iraq. Tehran cũng đe dọa sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào của Mỹ và các đồng minh của Washington trong khu vực.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018, Iran cũng có thể rút khỏi thỏa thuận này. Tuy nhiên, sau đó Tổng thống Trump khẳng định ông muốn tiếp tục đàm phán với Iran. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng họ tin là việc gia tăng sức ép đủ lớn sẽ đưa Iran quay trở lại bàn đàm phán. Nhưng cho tới nay, Lãnh tụ Tối cao Iran đã từ chối các cuộc đàm phán mới với Mỹ và các quan chức chính phủ Iran cũng nói rằng họ sẽ không chấp nhận đàm phán với tình hình hiện nay.
Trong một cuộc phỏng vấn với NPR hồi tuần trước, đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc, Majid Takht Ravanchi đã tuyên bố rõ ràng rằng: "Bạn không thể đàm phán với một người đang kề dao vào cổ mình được"./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết