Laocaitv.vn - Văn Bàn là địa phương duy nhất của Lào Cai có đồng bào dân tộc Thái sinh sống tập trung từ lâu đời. Trong các bản làng của người Thái ở xã Thẳm Dương hiện vẫn còn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống đặc sắc của cộng đồng. Mùa xuân này, dưới sắc mận trắng, sắc đào hồng, thì nét đẹp trang phục của phụ nữ Thái, đặc biệt là chiếc khăn Piêu đang tô điểm cho bức tranh xuân thêm rạng rỡ.
Các cô gái Thái duyên dáng trong chiếc khăn Piêu.
Ngày tết, người người sắm sửa quần áo mới. Những chiếc khăn Piêu sặc sỡ cũng được chị em dân tộc Thái mang ra diện tết.
Chiếc khăn Piêu đã theo bà La Thị Muôn, thôn Bản Ngoang, xã Thẳm Dương từ mấy chục năm nay, từ khi bà còn là một thiếu nữ tuổi đôi mươi, bà đã tự tay thêu khăn trước khi về làm dâu nhà chồng. "Trước kia, khi về nhà chồng tôi sẽ được nhà chồng đội khăn cho. Bà mẹ tôi cũng cho một cái khăn nữa. Đến bây giờ tôi luôn giữ gìn, đó như là vật kỷ niệm của mỗi người con gái Thái nên không ai được bỏ đi", bà La Thị Muôn, thôn Bản Ngoang, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn chia sẻ.
Chiếc khăn Piêu luôn được trân trọng và gìn giữ như một nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Thái.
Khăn Piêu được làm từ loại thổ cẩm nổi tiếng của người Thái. Nó là biểu hiện của giá trị tinh thần, vật chất được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ. Để hoàn thành một chiếc khăn Piêu, người phụ nữ Thái phải mất nhiều tháng dệt vải, thêu thùa. Đường nét tinh xảo trên chiếc khăn chính là tiêu chí đánh giá tài năng, phẩm hạnh của người phụ nữ Thái.
"Những ngày lễ, tết, chúng tôi đi đâu cũng phải đeo chiếc khăn Piêu để múa xòe, đi uống rượu. Tôi luôn hướng dẫn các con cách thêu khăn Piêu để góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc", bà Hoàng Thị Hòa, thôn Bản Ngoang, xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn cho biết.
Những ngày này, trong mỗi nếp nhà sàn truyền thống ở Bản Ngoang, hương rượu nếp Khẩu Tan Đón đã nồng nàn, nhịp xòe đã vang lên rộn rã. Chiếc khăn Piêu lại theo các bà, các chị uyển chuyển theo nhịp xòe bên bếp lửa.
Hiện nay, đồng bào Thái có nhiều mối giao thoa văn hóa với các dân tộc anh em khác, nhưng chiếc khăn Piêu luôn được trân trọng và gìn giữ như một nét văn hóa đặc trưng không thể đánh mất của cộng đồng.
Thu Hường – Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết