Hoạt động trải nghiệm: Hiểu sao cho đúng?

10:56 04-03-2023 | :706

Laocaitv.vn - Trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc được thực hiện xuyên suốt ở tất cả các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để phát huy tính năng ưu việt của hoạt động trải nghiệm trong dạy học, cần hiểu đúng và phải thực hiện đủ những yêu cầu đặt ra, tránh lạm dụng, trải nghiệm theo phong trào.

 

Những hoạt động trong buổi trải nghiệm thực tế của học sinh 5 tuổi Trường mầm non Hoa Lan, thành phố Lào Cai như: hái dâu tây, tham quan vườn lan, trải nghiệm làm nông dân... đã mang đến nhiều niềm vui cho các em nhỏ đang ở độ tuổi khám phá, tìm hiểu tự nhiên.

Anh Bàn Văn Kiên, cán bộ phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: "Với các cháu mầm non đến tham quan mô hình thì cho các cháu quan sát, trải nghiệm là chính. Các cháu ở thành phố tiếp cận với nông nghiệp rất ít nên được đi thực tế các cháu rất thích". 

"Thực ra trẻ dễ nhớ nhưng cũng nhanh quên. Chính vì thế, qua những hoạt động trải nghiệm được nhìn thấy trực tiếp, sẽ khắc sâu kiến thức cho trẻ", cô giáo Đinh Thị Xuân Tươi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, thành phố Lào Cai cho biết thêm.

Hoạt động trải nghiệm mang lại nhiều niềm vui cho trẻ, đồng thời cũng giúp trẻ trẻ có thêm kiến thức.

Thời gian qua, hàng loạt các chương trình trải nghiệm thú vị đã được tổ chức cho học sinh các cấp học tham gia, với nhiều quy mô, mang lại hiệu quả rõ rệt. Với 4 nhóm nội dung: Phát triển cá nhân, lao động, hoạt động xã hội - phục vụ cộng đồng và giáo dục hướng nghiệp, thông qua trải nghiệm, học sinh sẽ được bồi dưỡng kiến thức, hình thành những kĩ năng cần thiết.

Em Phạm Bảo An, học sinh Trường THCS thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương chia sẻ: "Chương trình Chúng em là chiến sỹ Biên phòng đã cho em trải nghiệm thực tế về những người đã hy sinh trong trận chiến để cho chúng em được học tập, vui chơi trong môi trường hòa bình. Bản thân em sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi". 

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp có thời lượng 3 tiết/tuần. Ngoài chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp cuối tuần, học sinh còn trải nghiệm theo chủ đề, như tham quan thực địa, diễn đàn, giao lưu, các dự án nghiên cứu khoa học... Yếu tố an toàn và mục tiêu giáo dục là hai điều cần được đặt lên trước hết.

Ông Bùi Ngọc Minh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Lào Cai cho biết: "Các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm hướng nghiệp, ngoài nhà trường còn phải có sự phê duyệt của Phòng GD&ĐT. Khi các trường xây dựng kế hoạch thì phòng sẽ nghiên cứu, chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch và phê duyệt, sau đó trường mới được tổ chức thực hiện. Hiệu trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn cho học sinh".

Cùng với đó, với những hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường, vấn đề xã hội hóa cũng cần phải quan tâm, trên tinh thần phải có sự đồng thuận, không lạm dụng, không tạo gánh nặng kinh phí cho phụ huynh. Những địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, điểm tham quan trong tỉnh được ngành Giáo dục khuyến khích các nhà trường lựa chọn để đưa học sinh tới trải nghiệm thực tế.

Thu Hường - Tuấn Nam


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết