Thành phố Lào Cai tăng cường công tác bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa

17:02 31-03-2020 | :1847

Laocaitv.vn - Xác định rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa trong phát triển văn hóa nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung, những năm qua công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Lào Cai đã được cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.

Nghề truyền thống được lưu giữ trong đồng bào các dân tộc. (Ảnh: Đỗ Dũng)

Để thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, thành phố Lào Cai đã áp dụng nhiều giải pháp như: Xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc các dân tộc thiểu số thành phố Lào Cai, giai đoạn 2011 - 2015; Đề án số 10 về “Phát triển văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao gắn với giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc; xây dựng con người thành phố Lào Cai văn minh, lịch sự, thân thiện, kỷ cương giai đoạn 2015 - 2020”, ban hành Kế hoạch về “Duy trì, xây dựng và phát triển đội văn nghệ bản sắc”. Trong đó, xác định công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá bản sắc các dân tộc của thành phố là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài; quan tâm tới công tác tu bổ, phục hồi, tôn tạo và nâng cấp các di tích như: Khu Di tích lịch sử đền Thượng, đền Mẫu, đền Đôi Cô, nhằm bảo tồn, phục dựng, phát huy vốn văn hóa bản sắc dân tộc, tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; thực hiện phương châm: Biến những giá trị văn hóa thành tài sản, mang lại hiệu quả thiết thực cho xã hội.

Bên cạnh đó, công tác trùng tu tôn tạo nâng cấp các di tích được đặc biệt quan tâm. Trong 4 năm (từ 2016 - 2019), UBND thành phố Lào Cai đã chỉ đạo thực hiện trùng tu tôn tạo, nâng cấp sửa chữa các di tích với tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng từ quỹ đền và nguồn xã hội hóa. Trong quá trình triển khai thực hiện, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ nhằm quản lý, bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương.

Văn hóa truyền thống được quan tâm bảo tồn, phát triển. (Ảnh: Đỗ Dũng)

Hiện nay, thành phố Lào Cai tiếp tục thực hiện công tác bảo tồn, phục dựng giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, duy trì và phát triển các lễ hội truyền thống, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với các di tích trên địa bàn; xây dựng phương án sửa chữa cấp thiết một số hạng mục tại các điểm di tích đền Thượng, đền Am, đền Cấm; trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Mẫu... Thông qua các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho các thế hệ mai sau, đồng thời phát huy giá trị các di sản văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc thành phố và du khách thập phương.

Lễ hội đền Thượng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2017. (Ảnh: Đỗ Dũng)

Trên địa bàn thành phố Lào Cai hiện có 5 di tích cấp Quốc gia, đó là: Đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm, chùa Tân Bảo, Khu di tích cách mạng Cam Đường; các di tích cấp tỉnh gồm: Đền Quan, đền Đôi Cô, chùa Cam Lộ, đền Vạn Hòa. Có 9 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm: Nghi lễ cấp sắc người Dao; nghi lễ Then của người Tày; lễ hội Roóng Poọc của người Giáy (lễ hội xuống đồng); lễ hội Lồng Tồng của người Tày (lễ hội xuống đồng); kéo co của người Tày, người Giáy; nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Xa Phó; chữ Nôm của người Dao; lễ cúng rừng của người Dao; lễ hội đền Thượng.

Ngoài các di tích lịch sử văn hóa, vấn đề bảo tồn vốn văn hóa bản sắc các dân tộc trên địa bàn thành phố cũng được quan tâm, giữ gìn và phát huy. Hoạt động văn hóa văn nghệ, vốn dân ca dân vũ, nghệ thuật dân gian phát triển đa dạng, phong phú gắn với sắc màu 25 dân tộc anh em trên địa bàn thành phố, như: Điệu kèn Pí lè của người dân tộc Mông; hát dao duyên, hát đối của người dân tộc Giáy, dân tộc Xa Phó; hát then, múa bát của người Tày; hát đối của dân tộc Dao... cùng với nhạc cụ dân tộc đa dạng như đàn Tính, kèn Pí lè, trống, lúc lắc,... một số trò chơi, điệu múa dân gian được nhân dân ưa chuộng như trò chơi nhảy mắc nẹ, múa gậy sinh tiền, đi cà kheo, ném còn, nhảy sạp, chơi mắc lẹ...

Đỗ Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết