Tập trung phát triển cá nước lạnh Việt Nam

17:56 30-11-2020 | :1444

Laocaitv.vn - Cá tầm và cá hồi là 2 loại thủy sản nước lạnh được nuôi trong môi trường nước ngọt có giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. Việc phát triển thủy sản đặc sản này được nhiều nông dân và doanh nghiệp tham gia. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải nuôi cá nước lạnh như thế nào để không phá vỡ môi trường sinh thái, thân thiện với môi trường và sản phẩm đạt các tiêu chuẩn an toàn.

Tỉnh Lâm Đồng là địa phương có diện tích và sản lượng cá nước lạnh lớn nhất cả nước. Ngoài cung ứng tại các khu du lịch phía Nam thì địa phương này đang tập trung cho chế biến sâu phục vụ xuất khẩu, chủ yếu là trứng cá tầm. Năm 2020, dự kiến sản lượng cá nước lạnh của Lâm Đồng đạt 1.400 tấn, trong đó có đến 95% là cá tầm. Tổng số vốn mà các tổ chức, cá nhân đầu tư cho phát triển cá nước lạnh ở Lâm Đồng là trên 800 tỷ đồng. Chế biến sâu các loại thủy sản nước lạnh được địa phương đặc biệt quan tâm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong những năm tới, đáp ứng tốt hơn các đơn hàng xuất khẩu.

Lào Cai hiện có hơn 57.000 m3 bồn bể nuôi cá nước lạnh.

Mặc dù Lào Cai là địa phương đầu tiên nuôi thành công cá nước lạnh, nhưng chủ yếu với quy mô nhỏ và phần lớn do các hộ dân nuôi, ít áp dụng khoa học công nghệ hiện đại. Hiện, Lào Cai có hơn 57.000 m3 bồn bể nhưng dự ước sản lượng năm 2020 đạt đến 670 tấn. Toàn tỉnh hiện có 215 cơ sở nuôi cá nước lạnh. Việc nuôi cá nước lạnh đang mang về cho địa phương khoảng 140 tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho khoảng 500 lao động.

Nuôi cá nước lạnh cho thu nhập cao nhưng việc phát triển phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước lạnh. Đây là nguồn tài nguyên có hạn và cần được bảo vệ để phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Theo ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, để đảm bảo phát triển bền vững thì trước hết là phải khai thác nguồn tài nguyên nước một cách hợp lý, kiểm soát tốt việc nuôi cá nước lạnh. Hiện nay, có tình trạng nuôi vượt quy hoạch, phát triển một cách tự phát, thiếu kiểm soát. "Chúng ta phải xác định nguồn tài nguyên nước lạnh là nguồn tài nguyên hạn chế, phải khai thác hợp lý và khoa học thì mới phát triển nghề nuôi cá nước lạnh bền vững được”, ông Phong cho biết thêm.

Khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước lạnh là điều kiện để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh.

Tại hội nghị tổng kết 15 năm phát triển cá nước lạnh Việt Nam diễn ra ngày 8/11 tại Lào Cai, các địa phương thống nhất đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa Việt Nam trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới xuất khẩu cá nước lạnh được nuôi trong môi trường nước ngọt. Đây là cơ hội lớn cũng như thách thức đặt ra cho nghề nuôi cá nước lạnh ở Việt Nam, đòi hỏi phải tiếp tục khai thác tối đa lợi thế nguồn nước, nâng cao công nghệ, tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm để đứng vững trên thị trường.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: "Đối với các vùng nuôi, các loại hình nuôi phải có quy trình kỹ thuật phù hợp để đảm bảo quản lý môi trường tốt nhất, tuân thủ quy trình sản xuất an toàn, đạt các tiêu chuẩn chứng nhận. Chúng ta mở rộng diện tích, đầu tư khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng, sản lượng thì phải nghiên cứu chế biến sâu cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm và cá hồi".

Việc phát triển cá nước lạnh đã khai thác tối đa lợi thế về nguồn nước tại những vùng cao, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn để người dân phát triển kinh tế; áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để đảm bảo sản xuất có hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đa dạng hóa mô hình sản xuất, khuyến khích các hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và các hộ dân là những yếu tố cần thiết để phát triển cá nước lạnh ở Việt Nam.

 Ngọc Hà – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết